doanh-nghiep-bao-hiem-hinh

DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM LÀ GÌ? QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ

Published on
26/02/2024

Bạn đang quan tâm khái niệm doanh nghiệp bảo hiểm là gì để chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch kinh doanh trong lĩnh vực này hoặc bạn quan tâm về quyền và nghĩa vụ liên quan vì có nhu cầu mua bảo hiểm. Dù ở trường hợp nào, hãy để Liberty Việt Nam giúp bạn hiểu hơn về bảo hiểm.

 

Doanh nghiệp bảo hiểm là gì? 

 

doanh-nghiep-bao-hiem-hinh1

 

Căn cứ vào Khoản 17, Điều 4, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022: Doanh nghiệp bảo hiểm là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm 2022 và luật khác có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm.

 

Nội dung hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm: 

  • Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm
  • Quản lý các quỹ và đầu tư vốn từ hoạt động kinh doanh bảo hiểm
  • Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm
  • Hoạt động khác liên quan trực tiếp đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm

(Theo Điều 63, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022)

 

Doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp dịch vụ tài chính đặc biệt, hoạt động kinh doanh dựa trên những rủi ro. Hoạt động kinh doanh bảo hiểm các doanh nghiệp cũng khác cho với những hình thức kinh doanh khác, đó là hình thức kinh doanh với chu kỳ đảo được, tức là sản phẩm bảo hiểm được bán ra trước, phát sinh doanh thu, sau đó mới phát sinh chi phí.

 

Vai trò quan trọng nhất của doanh nghiệp bảo hiểm là cung cấp bảo vệ cho mọi người, làm giảm thiểu những tác động của rủi ro mà một người phải chịu trong những tình huống bất ngờ. Nhờ khoản tiền được các doanh nghiệp bảo hiểm hoàn trả trong các cuộc khủng hoảng tài chính, tai nạn, mất mát, bệnh tật nên mọi người có thể giảm thiểu rủi ro tài chính và thoải mái hơn về mặt tinh thần.

 

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia giao cho một cơ quan quản lý nhà nước cụ thể để kiểm soát hoạt động của các công ty bảo hiểm. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp bảo hiểm chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Tài Chính.

 

Các loại doanh nghiệp bảo hiểm 

 

Cũng theo Khoản 17, Điều 4, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022: Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm:

 

    1. Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ: 

Một số công ty bảo hiểm nhân thọ nổi tiếng có mặt ở Việt Nam như Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH Manulife (Việt Nam), Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam,… Các doanh nghiệp này cung cấp các loại sản phẩm bảo hiểm sinh kỳ, tử kỳ, bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm kết hợp đầu tư, bảo hiểm hưu trí,... tạo sự an tâm và đảm bảo tài chính cho người được bảo hiểm và gia đình của họ trong trường hợp xảy ra các sự kiện như tử vong, thương tật, hoặc một số sự kiện khác có thể xảy ra.

 

    2. Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ: 

Bảo Hiểm Liberty Việt Nam, Tổng công ty Bảo hiểm PVI, Tổng công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex, Tổng công ty Bảo hiểm PVI,... Các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cung cấp các sản phẩm như bảo hiểm nhà cửa, bảo hiểm du lịch, bảo hiểm xe cơ giới,... giúp bảo vệ tài sản và rủi ro tài chính của khách hàng trong trường hợp xảy ra các sự kiện bất lợi như thảm họa tự nhiên, thất thoát tài sản, hoặc hỏa hoạn,...

 

    3. Doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe:

Các doanh nghiệp này cung cấp các loại sản phẩm bảo hiểm sức khỏe khác nhau cho người dân và doanh nghiệp tại Việt Nam, giúp bảo vệ sức khỏe và tài sản của người dân trong trường hợp không may xảy ra sự cố hoặc bệnh tật. Một số doanh nghiệp cung cấp bảo hiểm sức khỏe hàng đầu ở Việt Nam như bảo hiểm sức khỏe Liberty, bảo hiểm sức khỏe BIC, bảo hiểm sức khỏe AIA,...

 

Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm là gì? 

 

Quyền của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định tại Khoản 1, Điều 20, luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, thu phí bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm:

  • Yêu cầu bên mua bảo hiểm cung cấp đầy đủ, trung thực mọi thông tin có liên quan đến việc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm
  • Hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm quy định tại khoản 2 Điều 22 hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 26 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022
  • Từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm trong trường hợp không thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm hoặc trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo thoả thuận trong hợp đồng bảo hiểm.
  • Yêu cầu bên mua bảo hiểm áp dụng các biện pháp đề phòng, hạn chế tổn thất theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan
  • Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản; lợi ích kinh tế hoặc nghĩa vụ thực hiện hợp đồng hoặc nghĩa vụ theo pháp luật; trách nhiệm dân sự do người thứ ba gây ra.

>> Đọc thêm: 9 điều cần phải đọc và hiểu rõ trong hợp đồng bảo hiểm

Doanh-nghiep-bao-hiem-la-gi-hinh2

 

Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm là gì? 

 

Nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm được quy định tại Khoản 2, Điều 20, luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, bao gồm những điều sau đây:

  • Doanh nghiệp bảo hiểm phải cung cấp cho bên mua bảo hiểm bản yêu cầu bảo hiểm, bảng câu hỏi liên quan đến rủi ro được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm.
  • Giải thích rõ ràng, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm về quyền lợi bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, quyền và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.
  • Cung cấp cho bên mua bảo hiểm bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm quy định tại Điều 18 của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022.
  • Cấp hóa đơn thu phí bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm và quy định của pháp luật có liên quan.
  • Bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
  • Giải thích bằng văn bản lý do từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm.
  • Phối hợp với bên mua bảo hiểm để giải quyết yêu cầu của người thứ ba đòi bồi thường về những thiệt hại thuộc trách nhiệm bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.
  • Lưu trữ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
  • Doanh nghiệp bảo hiểm bảo mật thông tin do bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm cung cấp, trừ trường hợp theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được sự đồng ý của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.
  • Nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 

Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về doanh nghiệp bảo hiểm là gì. Doanh nghiệp bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản và sức khỏe của cá nhân và doanh nghiệp, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Việc hiểu rõ về doanh nghiệp bảo hiểm và sự đóng góp của họ trong việc xây dựng một mạng lưới bảo vệ cho cộng đồng là vô cùng quan trọng.